NGHIẾN RĂNG: NGUYÊN NHÂN VÀ HƯỚNG ĐIỀU TRỊ

     1. NGHIẾN RĂNG LÀ GÌ?

1.1 Hoạt động chức năng và hoạt động cận chức năng

Các hoạt động của hệ thống nhai được chia làm 2 loại:

  • Chức năng (nhai, nói, nuốt).
  • Cận chức năng (mút môi, má; cắn móng tay; nghiến răng).

Các hoạt động chức năng là hoạt động cơ có kiểm soát. Nghĩa là chúng cho phép hệ thống nhai thực hiện chức năng cần thiết nhưng chỉ trong giới hạn gây hại ít nhất cho cấu trúc.

Hoạt động cận chức năng là những hoạt động có ý thức hoặc không có ý thức của hệ thống nhai. Chúng lặp đi lặp lại, có sự tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp hoặc không tiếp xúc các răng mà không nhằm thực hiện chức năng.

1.2 Nghiến răng là một hoạt động cận chức năng có sự tiếp xúc các răng với nhau

Tật nghiến răng được định nghĩa là “hoạt động lặp đi lặp lại của cơ hàm, đặc trưng bởi sự siết chặt hoặc nghiến của răng và/hoặc bởi sự giằng và đẩy của hàm dưới”. Hoạt động này có thể tạo nên âm thanh ken két hoặc không.

Nghiến răng không thực hiện chức năng của hệ thống nhai và có thể gây chấn thương khớp cắn. Khớp cắn ảnh hưởng lên chức năng của cơ, qua đó tác động đến khớp thái dương hàm. Do đó, bất kỳ sự thay đổi nào trong khớp cắn đều ảnh hưởng đến cả cơ và khớp. Sai khớp cắn chính là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tật nghiến răng. Hậu quả của nó có thể gây ra đau khớp thái dương hàm.

     2. DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG

Một số dấu hiệu và triệu chứng giúp bạn nhận biết bệnh nghiến răng:

  • Nghiến hoặc siết chặt răng, đi kèm đó với là âm thanh đặc biệt, thậm chí có thể lớn đến mức đánh thức người ngủ cùng.
  • Đau khớp thái dương hàm.
  • Đau, mỏi cơ nhai và cơ vùng cổ.
  • Nhức đầu (đặc biệt vùng thái dương sau khi thức dậy buổi sáng).
  • Răng nhạy cảm, di động quá mức, mòn bất thường.
  • Gãy vỡ miếng trám/men răng.
  • Tụt nướu.
  • Có vết hằn lõm trên lưỡi.
  • Đường nhai trắng hiện rõ trên mặt trong má.
  • Xuất hiện các gồ xương ở hàm trên và dưới.
  • Tăng hoạt động cơ (ghi nhận bởi đồ thị đa ký giấc ngủ).
  • Phì đại cơ.
  • Giảm chất lượng giấc ngủ, hay thấy mệt mỏi.
  • Giảm lưu lượng nước bọt.
  • Giới hạn há miệng.

     3.HẬU QUẢ CỦA NGHIẾN RĂNG

Nghiến răng mức độ nặng có thể gây ra những tình trạng sau:

  • Phá hủy răng, xương hàm.
  • Đau nhức đầu.
  • Đau vùng đầu mặt.
  • Rối loạn khớp thái dương hàm (nghe tiếng click khi há đóng miệng ở vùng trước tai).

     4. ĐIỀU TRỊ NHA KHOA

Điều trị nha khoa có thể không làm ngưng nghiến răng. Các điều trị này nhằm cải thiện tình trạng mòn răng và ngăn ngừa sự phá hủy trầm trọng.

  • Điều chỉnh khớp cắn: Nếu có bất kỳ cản trở khớp cắn nào, nó cần được loại bỏ bằng điều chỉnh (mài bớt/thêm vào). Tuy nhiên, trước khi thực hiện, bạn phải đảm bảo cơ được thư giãn. Mục đích để bạn có thể thực hiện được các chuyển động sinh lý bình thường.
  • Máng nhai: Là một máng bằng nhựa che phủ bề mặt răng hàm trên và hàm dưới. Máng được thiết kế riêng cho từng người, có thể tháo lắp dễ dàng. Chức năng của máng là hướng dẫn chuyển động của hàm dưới. Đồng thời, nó cũng giúp thư giãn cơ, giảm đau cơ. Sử dụng máng nhai sẽ giúp ngăn sự mòn răng do nghiến, ngăn tổn thương đến các cấu trúc nha chu. Việc sử dụng máng nhai giúp làm giảm nghiến răng vào ban đêm.
  • Chỉnh nha: Răng chen chúc, lệch lạc làm ảnh hưởng đến khớp cắn. Việc chỉnh nha làm thay đổi khớp cắn có thể giảm tình trạng nghiến răng.
  • Phục hồi khớp cắn: Nghiến răng làm phá vỡ bề mặt men răng hoặc phục hồi, khiến răng nhạy cảm. Có thể trám, bọc mão lại các vị trí bị ảnh hưởng bởi nghiến răng.

Nghiến răng là thói quen cận chức năng, chiếm tỷ lệ lớn trong dân số. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh có thể dễ thấy. Tuy nhiên, cơ chế và nguyên nhân thật sự vẫn chưa rõ ràng. Hiện tại, vẫn chưa có phương pháp nào điều trị triệt để bệnh. Các hướng điều trị chủ yếu nhằm giảm sự gây hại, giảm ảnh hưởng của nghiến răng lên hệ thống nhai. Việc duy trì lối sống tốt, kiểm tra sức khỏe thường xuyên giúp phát hiện và ngăn chặn sớm sự phá hủy của bệnh.

Trả lời

Your email address will not be published. Required fields are marked *